August 31, 2023
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch sáng lập DOJI từng đề cập đến “bí quyết” thành công khi xây dựng “đế chế” DOJI. Không phải tiền bạc hay vật chất mà là bài học giáo dục về 3 chữ Tự: Tự lực, Tự trọng và Tự tôn.
Xuất phát điểm là nhà khoa học về Công nghệ xử lý Đá quý của Viện khoa học Vật liệu, thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Đỗ Minh Phú quyết định từ chối lời mời sang Nhật Bản nghiên cứu với mức lương cao để xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình.
Theo đó, công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (viết tắt của Technology and Trading Development) – tiền thân của Tập đoàn DOJI sau này dưới sự dẫn dắt của Đỗ Minh Phú và những kinh nghiệm trong lĩnh vực đá quý đã có những bước tiến quan trọng. Năm 1996, với việc phát hiện ra đá Ruby sao, TTD đã ghi cột mốc quan trọng trong tạo dựng hình ảnh của Việt Nam với thế giới.
Tuy vậy, sau 8 năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác và xử lý đá quý, ông Phú bắt đầu tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp. Ông nhận ra đá quý sẽ có giá trị cao hơn khi gắn trên trang sức. Năm 2002, ông Phú đã quyết định chuyển sang chế tác trang sức vàng bạc với đá quý thay vì chỉ khai thác và buôn bán như trước. Sau đó, ông Phú cũng chính thức đổi tên TTD thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Theo giải thích của ông Phú, DOJI là viết tắt tiếng Anh của cụm từ: Development Of Jewelry and Investment (Tập đoàn DOJI tập trung phát triển về trang sức và đầu tư). Chữ “DO” trong DOJI còn mang nghĩa về dòng họ Đỗ danh giá của ông.
Giai đoạn 2007 – 2008, cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Thái Lan sang Việt Nam, song với tiềm lực sẵn có, DOJI đã thực hiện thương vụ thâu tóm một số công ty trong ngành bao gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng cùng Công ty cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái. Cuộc M&A thành công, DOJI được tái cấu trúc và trở thành Tập đoàn Vàng bạc đã quý DOJI có 6 công ty thành viên.
Đánh giá về thương vụ M&A giai đoạn 2007-2008 của Đỗ Minh Phú, các nhà kinh tế học cho rằng: “Đây là giai đoạn kinh tế tư nhân mới bắt đầu manh nha, nên các doanh nhân thường thận trọng, phát triển dần từng bước. Những doanh nghiệp có tầm nhìn, bản lĩnh, sẵn sàng vượt qua định kiến và sự chưa hoàn chỉnh của pháp luật không nhiều. Các quy định về M&A chỉ mới bắt đầu hình thành cùng với Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán được ban hành bước đầu tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán, chuyển nhượng và vốn góp. Quyết định của ông Phú thể hiện tư duy của một cái đầu lạnh và sự tỉnh táo của một nhà khoa học, từ đó có thể chớp thời cơ nhanh chóng mở rộng DOJI tốc độ và táo bạo”.
Trong 6 năm trở lại đây, doanh thu DOJI liên tục ghi nhận tăng trưởng vượt trội hơn hẳn 2 ông lớn cùng ngành như SJC và PNJ. Năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của DOJI lần lượt đạt 47.389 tỷ đồng và 51.840 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu ghi nhận 88.920 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 150,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40,8% và 88,25% so với năm 2018. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, mức lãi sau thuế của DOJI đạt 45 tỷ đồng.
DOJI hiện đang sở hữu nhiều viên đá quý có giá trị như: Đại Lam Ngọc – khối Saphia lớn nhất Việt Nam nặng 15 tấn; Bảo Hồng Ngọc – viên Ruby Sao thô quý hiếm nặng 18,88 kg; Hồng Ngọc Thiên Châu – khối đá chứa các tinh thể màu đỏ quý hiếm dày đặc bao trùm bề mặt đá và đặc biệt là “báu vật triệu đô” – viên Ruby Sao Hoàng Đế nổi tiếng thế giới.
Bài học về sự tự trọng được thể hiện qua cách xây dựng thương hiệu dựa trên sự tín nhiệm, tin tưởng với những sản phẩm chất lượng và bền vững với thời gian.
Chưa dừng lại của thương vụ M&A vào giai đoạn 2007-2008, bước sang giai đoạn 2010 – 2012, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, làn sóng doanh nghiệp lớn của Việt Nam bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu nở rộ khi chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Năm 2011, ông Đỗ Minh Phú cùng em trai Đỗ Anh Tú đã quyết định bán Diana cho tập đoàn Unicharm của Nhật Bản với mức giá 184 triệu USD, giảm cổ phần sở hữu xuống còn 5%.
Lý giải về những tiếc nuối của các chuyên gia khi cho rằng Diana còn tiềm năng lớn nhưng đã bị bán cho doanh nghiệp Nhật Bản, ông Phú chia sẻ: “Giai đoạn khủng hoảnh kinh tế toàn cầu tác động khiến lãi suất lên tới 20-21%, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đối mặt nhiều thách thức. Khi được hạch toán bằng VND, tỷ giá chênh lệch có lúc lên tới 10% và lãi suất cho vay tới 18%/năm”.
“Chỉ vì tiếc rẻ một con cá to ở trong ao sẽ làm con cá đó chết vì quá thiếu dưỡng khí. Tôi phải thả nó ra và chấp nhận đánh mất cơ hội ở đâu đó như mọi người đang lo lắng, để bước vào cuộc chơi toàn cầu mà không bị sứt đầu, mẻ trán”, Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI chia sẻ.
Năm 2020, nhà sáng lập Đỗ Minh Phú cũng đã mua lại công ty Thế giới Kim cương với hệ thống 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố.
Là người tiên phong cho các thương vụ M&A tại Việt Nam, TPBank – một trong 9 ngân hàng thương mại cổ phần phải tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2015 được Đỗ Minh Phú và tập đoàn DOJI bỏ tiền tươi, thóc thật đầu tư.
Ông cũng đề ra chiến lược khác biệt mang tên “chiến lược tứ trụ” bao gồm bốn mũi nhọn kinh doanh như công nghệ cao và công nghệ thông tin; vàng; công nghiệp phụ trợ; ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên.
Cả 4 lợi thế cạnh tranh này vốn đã được các ông chủ mới xác định ngay từ khi bắt đầu cải cách, dựa trên nền tảng của các cổ đông lớn, mà ông Đỗ Minh Phú gọi là những cổ đông “chuẩn mực”. Ngoài cổ đông FPT, Softbank có lợi thế về thông tin, cổ đông mới DOJI được ví như chân kiềng mới cho TPBank, tạo ra một lợi thế cạnh tranh đầy lý tưởng, đó là sự liên kết trong mảng kinh doanh vàng.
Nhờ DOJI, TPBank trở thành ngân hàng thứ 6 được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia thị trường vàng, dù ngân hàng này trước đó chưa từng tham gia lĩnh vực này. Một chiếc trụ khác cũng gắn liền với DOJI là hoạt động tài trợ vốn cho xuất khẩu, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Sự kết nối giữa DOJI và TPBank bằng những hợp tác và hỗ trợ là chiến lược đưa ngân hàng số hàng đầu Việt Nam trở thành hệ sinh thái của đế chế DOJI.
Bài học về sự tự tôn đã giúp ông Phú không chấp nhận TPBank là một ngân hàng hạng 2 trên thị trường, dù khi nhận về là nhà băng yếu kém.
DOJI cũng thể hiện tham vọng trong lĩnh vực bất động sản khi sở hữu toà nhà DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội làm trụ sở chính. Đây chỉ là một trong số những dự án DOJI theo đuổi kể từ khi đặt dấu mốc cho việc tiến vào lĩnh vực địa ốc với việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land (năm 2014).
Không chỉ DOJI Land, tập đoàn này còn một số thành viên khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục, CTCP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, CTCP DOJI Land Hạ Long.
Tại các thành phố lớn, DOJI hiện đang sở hữu nhiều tòa nhà có vị trí đắc địa như tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội), tòa nhà Ruby Tower (số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM).
Tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú cũng tích lũy được quỹ đất ấn tượng ở nhiều địa phương. Có thể kể đến một số dự án như: Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Hay dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, tập đoàn này cũng được đồn đoán là nhà đầu tư đã thế chân TTC Land để trở thành chủ mới của dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza.