Thời trang sân bay đã biến đổi như thế nào từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay? Cùng Hidden Champions tìm hiểu nhé!
Vào giữa thế kỷ 20, những người nổi tiếng thường diện trang phục lộng lẫy mỗi khi bước chân lên máy bay. Nhưng giờ đây, vẻ lộng lẫy đó đã được thay thế bằng những trang phục năng động nhưng vẫn đủ tinh tế.
Năm 1957, nữ diễn viên Elizabeth Taylor và hôn thê – nhà sản xuất phim Mike Todd – cùng nhau lên chuyến bay tới Mexico, nơi đám cưới lãng mạn của họ được tổ chức. Trước chuyến bay, cặp đôi quyền lực của Hollywood thời bấy giờ đã không quên nói lời chào tạm biệt trước rừng ống kính của truyền thông và công chúng. Không hổ danh là bà hoàng màn bạc, ngay trước giây phút lên máy bay, Elizabeth Taylor đã xuất hiện lộng lẫy trong váy suit dạ cùng những món trang sức lấp lánh – trong đó có chiếc nhẫn đính hôn đính viên kim cương nặng 29-carat.
Các ngôi sao điện ảnh lớn như Elizabeth Taylor không phải là những vị khách duy nhất từng “lên đồ” lộng lẫy như vậy cho một chuyến bay. Trong khoảng đầu đến giữa thế kỷ 20, thời trang của những hành khách trên các chuyến bay luôn toát lên vẻ lịch lãm và sang trọng, khác hẳn với những bộ trang phục thoải mái và trung tính hiện đại. Điều gì đã tạo nên sự thay đổi này? Phải chăng với sự phát triển của phương tiện hàng không và những nhận định mới về sự sang trọng, trang phục của các vị khách trên máy bay cũng trải qua nhiều biến đổi lớn?
Khoang hành khách của Scandinavian Airlines (SAS), tàu bay Boeing 747-B “Huge Viking” – ảnh chụp năm 1970.
Là một trong những phương tiện di chuyển hiện đại nhất, ngành hàng không đã thu hút sự quan tâm của con người ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động – từ các hành khách bình thường cho đến những nhà thám hiểm mong muốn có được trải nghiệm mới lạ. Khoảng từ đầu cho đến giữa thế kỷ 20, việc bước lên máy bay là một hành động khẳng định vị thế xã hội của các ngôi sao và những thành viên thuộc giới thượng lưu. Trên những chuyến bay này, các vị khách có thể tận hưởng những trải nghiệm cao cấp nhất – từ ẩm thực thượng hạng cho đến khoảnh khắc thư giãn trong chiếc ghế da mềm mại và rộng rãi.
Quả thật, tại thời điểm này, việc di chuyển bằng máy bay có thể được ví như một bữa tiệc tối trên không vậy. Và hẳn nhiên, chẳng mấy ai lại mặc áo phông và quần jeans tới dự một sự kiện trang trọng như vậy.
Trong nửa cuối của thế kỷ 20, nhu cầu di chuyển phục vụ công tác, thăm thân và du lịch tăng cao. Vì vậy, các hãng hàng không buộc phải tối đa hoá sức chứa của máy bay bằng cách thu nhỏ diện tích riêng và kê các hàng ghế sát nhau hơn. Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn và an ninh cho tất cả các hành khách, thủ tục tại sân bay cũng kéo dài và phức tạp hơn nhiều so với những thập kỷ trước (không còn những hình ảnh vui nhộn của các minh tinh lộng lẫy “cưỡi” xe chở hành lý tới tàu bay). Do đó, những bộ trang phục và phụ kiện phô trương, rườm rà, thiếu tính thực dụng đã không còn phổ biến tại sân bay nữa.
Đầu bếp và tiếp viên phục vụ bữa ăn cho các hành khách trên chuyến bay của Scandinavian Airlines (SAS) – ảnh chụp năm 1969.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng trải nghiệm hàng không đã mất đi sự sang trọng, mà đang được biến hóa dưới những hình thức khác. Thay vì nhấn mạnh vào sự lộng lẫy hào nhoáng, những dịch vụ bay hạng nhất ngày càng đề cao sự riêng tư và thoải mái của hành khách với ghế giường nằm, khoang khách kín đáo, cùng những vật dụng hỗ trợ việc thư giãn. Không còn là “màn trình diễn” hay “lời khẳng định vị thế,” một chuyến bay đẳng cấp sang trọng giờ đây là một không gian riêng tư, nơi các vị khách có thể nghỉ ngơi, phục hồi thân tâm trí để chuẩn bị cho những kế hoạch bận rộn sắp tới.
Chính vì vậy mà các hành khách VIP của khoang hạng nhất cũng là những người tiên phong trong xu hướng thời trang sân bay mới. Với những bộ đồ trung tính, làm từ chất liệu mềm mại, thoáng khí tạo cảm giác thoải mái mà vẫn vô cùng lịch sự. Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ phong cách này được xem là một biểu hiện của sự “xa xỉ thầm lặng.”